Văn học nghệ thuật



MỘT TẬP THƠ TƯƠI LÊN NIỀM HY VỌNG
Về tập thơ Lời nguyện cầu trước lửa của Trần Gia Thái
Nhà Thơ HỮU THỈNH (Nguồn: Tạp chí Nhà văn số tháng 9/2011)
Tôi kiên trì thói quen đọc thơ để hiểu người. Bởi vì Thơ là nghệ thuật ít giấu mình được nhất. Mức độ thành công của một tập thơ tùy thuộc vào chỗ, tác giả đã tạc dấu ấn cá nhân của mình lên câu chữ bao nhiêu, đã chạm khắc tâm trạng, xúc cảm, hồn cốt lên trang giấy như thế nào. Để làm việc đó, có muôn nghìn cách, chỉ trừ sự giả. Cho nên, trong các châm ngôn về sự viết, tôi quý nhất lời dạy này: Chân thành là nghệ thuật cao nhất của Thơ.
Chiểu theo một quan niệm không có gì là tân kỳ như vậy, tôi đọc đi đọc lại tập thơ mới nhất này của Trần Gia Thái. Mỗi lần đọc khoảng cách khá xa, và cố chọn vào những thời điểm khác nhau, là cái cách để đo phản ứng của tác phẩm. Và tôi đã thấy anh, thấy một người thơ hiển hiện sau và trên tất cả những gì anh đã tâm sự cùng ta. Bởi tập thơ này cũng như những sang tác trước của anh đã được làm theo một nguyên tắc nhất quán:
Thật đáng sợ khi mọi thứ đều trơn tuột
Và trong ta xúc cảm chết trong mồ.
( Sợ )
Đây là một quan niệm nghiêm túc nhưng “nguy hiểm” đấy Trần Gia Thái ạ. Bởi nó đòi hỏi sự hết mình, đòi hỏi sự tận cùng, đòi hỏi vô tận sự tâm huyết. Trần Gia Thái là một người nồng nhiệt và tâm huyết. Khi yêu, anh cho ta thấy mọi cung bậc, màu sắc, hương vị, thậm chí ta có thể đo được độ nóng của trái tim anh. Nào trách móc, nào nhớ nhung, nào là say đắm, và cái được nhất của anh là tạo ra được một không gian, một từ trường của cảm xúc.
Gần đến thế mà sao không thể tới
Bến bờ ơi
Em ảo ảnh đến muôn nghìn.
( Ảnh ảnh )
Đây chưa hẳn đã là thất tình, càng chưa phải là tuyệt vọng. Ngẫm cho kỹ, đây là thước đo. Tôi không thấy mùi vị của sự chán nản, ngược lại, tôi nhận ra sự cao giá của người tình.
Ở trong thơ, nói và hiểu là hai việc khác nhau. Đó là nghệ thuật phô diễn. Trần Gia Thái cho ta thấy biết bao nhiêu cung bậc của tình cảm khi yêu, kể cả khi anh nói nhún, anh tự ti, anh bơ vơ, mộng du, đau khổ…thì đấy là một trường tình, tất cả hiện ra, nhưng không một lần ta thấy anh nhỏ bé. Kể cả khi anh thú nhận:
Cơn bão giữa lòng người
Cơn bão trong lòng đất
Bão quật anh tơi bời
Giữa đôi bờ còn ? mất ?
(Em đi)
Ôi chàng trai si tình! Anh có thể bước đi không vững trong cơn say nhưng tình yêu của anh thật cường tráng.
Trần Gia Thái có những bài thơ tình ấn tượng. Đọc lên, ta có thể ôm được sự nồng nhiệt. Từ góc khuất riêng tư ấy, anh mở ra với thế sự, với việc đời. Mảng thơ này của anh cho tôi hoàn thiện chân dung của tác giả. Mở ra với sự đời là sống với những áp lực, những dồn đuổi, là biết bao nhiêu cái ở ngoài tầm tay, đó là những vạn biến. Để sống với nó, cần có sự bất biến. Đó là sống thật. Trong bài “ Một lần đúng “ Trần Gia Thái muốn trở thành một người điên để “ có quyền sống thật “ và để “ không bị người đời thô bỉ, nhẩy xổ vào cuộc sống riêng “. Liệu anh có thể làm được như thế hay không, khoan hãy bàn. Cái cần bàn, cần quan tâm trước nhất, là một thái độ sống đúng đắn: Sống thật. Đó là một phẩm giá.
Một người đeo đuổi cái thật, tôn cái thật như một lẽ sống như thế, đã khiến ta cảm động với biết bao ứng xử trước việc đời. Trần Gia Thái nói về những người thân thành thật và cảm động bao nhiêu, thì anh càng nồng nhiệt và tâm huyết trước việc đời rộng lớn bấy nhiêu. Ở mảng thơ thế sự này, thơ anh biến hóa, sinh động, tươi tốt hẳn lên. Có lúc rất mộc:
Ổ rơm chân đất manh chiếu rách
Một mùa được mấy bữa no nê
( Sao mà nhớ )
Có lúc xót xa cay đắng:
Năm mươi ba tuổi ta bầm dập thương tích
Đòn vu hồi từ những kẻ vẫn xưng là bạn là anh
(Tuổi 53)
Có lúc vô cùng thương cảm khi viết về người cha đã khuất:
Cứ tưởng người đi dạo lúa dạo đồng
Người đi chở cát với vôi nồng
Người đi đội đá xây mương nổi
Đong bát mồ hôi đổi cháo không
Bát cháo đồng chiêm cơ cực ơi
Nuốt vào cay đắng nuốt không trôi
Mồ hôi thì mặn nước mắt chát
Đeo đẳng đời cha từng giọt rơi
(Nhớ Cha)
Và nhiều nữa. Tất cả tất cả, từng nấc từng nấc trong một cuộc hành trình thơ, một hành trình đời, và những va quệt nhân tình không nhân nhượng và nhẹ tay, đã để lại dấu ấn mặn mòi trên những trang thơ của Trần Gia Thái. Tôi không chú ý lắm về việc tác giả đã sử dụng những thủ pháp nghệ thuật gì, tôi chỉ quan tâm tới hiệu quả, Trần Gia Thái đã làm ta cảm động nhận ra Anh.
Một tập thơ tươi lên nhiều hy vọng.
Hà Nội, ngày 22/2/2011
         H.T
 

VÌ SAO NHÀ THƠ HỮU THỈNH HẾT LỜI CA NGỢI 
NHỮNG CÂU THƠ TẺ NHẠT CỦA TRẦN GIA THÁI
. GS Trần Mạnh  Hảo
. Tạp chí “Nhà Văn” số 9-2011 ( tạp chí của Hội nhà văn Việt Nam) trang 144 đến 146 có in bài “MỘT TẬP THƠ TƯƠI LÊN NHIỀU HI VỌNG” của nhà thơ Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam kiêm chủ tịch Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, ca ngợi hết lời tập thơ “Lời nguyện cầu trước lửa” (NXB Hội nhà văn 2011) của ông Trần Gia Thái – Tổng giám đốc Đài Phát thanh và truyền hình Hà Nội, kiêm chủ tịch Hội nhà báo Hà Nội. Bài viết trên của ông Hữu Thỉnh cũng vừa được trang mạng của nhà văn Phạm Viết Đào phổ biến, xin  in kèm dưới bài viết này của chúng tôi để rộng dường dư luận. 
.Vì chưa có tập thơ này của ông Trần Gia Thái trong tay, chúng tôi chỉ căn cứ trên những câu thơ được ông Hữu Thỉnh trích ra bình phẩm, ngợi ca để đánh giá bài viết khác thường này của ông Hữu Thỉnh thực hư ra sao.
. Mở đầu bài tụng ca thơ Trần Gia Thái, ông Hữu Thỉnh lập ngôn, bằng cách xác định lại bản chất của thi ca.
Câu văn đầu tiên Hữu Thỉnh viết đã không chuẩn về tu từ : “ Tôi kiên trì thói quen đọc thơ để hiểu người”(chữ nghiêng đậm do TMH nhấn mạnh). Nên chỉnh sửa câu văn này cho trong sáng tiếng Việt: “ Tôi có thói quen đọc thơ để hiểu người”. Ngay sau đó, Hữu Thỉnh tung ra một quan niệm chưa chuẩn về thơ: “Bởi vì thơ là nghệ thuật ít giấu mình được nhất”. Thơ giấu mình tài lắm ông Thỉnh ạ. Có người tâm ác mà toàn làm thơ về sự ngay lành, thánh thiện. Có người tâm Phật mà thơ thì khẩu nghiệp, chướng tai. Có người giả dối còn hơn cuội mà thơ thì nói toàn chuyện thật thà. Người Trung Hoa từ thời thượng cổ đã có quan niệm:” Thi tại ngôn ngoại”, một định nghĩa rất hay và rất đúng về thơ. Người Việt ta từ xưa đã cho thơ là nghệ thuật kỳ ảo, diệu vợi, hàm súc, dư ba, ẩn chứa khôn cùng tình cảm tư tưởng của nhà thơ trong và ngoài câu chữ. Nói cho cùng, ngược lại với quan niệm chưa đúng của Hữu Thỉnh, thơ chính là nghệ thuật giấu mình, giấu tư tưởng tâm hồn, cảm xúc, thông điệp của nhà thơ tới muôn vàn mai hậu, để chỉ dành riêng cho tri âm tri kỷ thưởng thức mà thôi. Nếu cứ nói toẹt ra hết thì còn gì là thơ?
Hàng trăm năm đã trôi qua, dễ gì chúng ta đã hiểu hết nghệ thuật giấu mình, đa ngữ nghĩa, đa chiều kích, đa nội hàm của câu ca dao tuyệt vời: “Gió đưa cây cải về trời / Rau răm ở lại chịu lời đắng cay”? Hàng trăm năm đã qua, dễ gì chúng ta đào hết được chiều sâu của tư tưởng tâm hồn Nguyễn Du giấu mình trong câu Kiều tráng lệ: “ Bắt phong trần phải phong trần / Cho thanh cao mới được phần thanh cao”?
Cổ xúy cho lối thơ nói toẹt ra, phơi cạn kiệt mình trên trang giấy như những câu nói thông thường phi hình ảnh, phi hình tượng, đơn nghĩa để Hữu Thỉnh có “cơ sở lý luận” ca ngợi thơ của Trần Gia Thái là việc không thể làm ngơ. Chúng tôi sẽ chứng minh cụ thể sau.
Hữu Thỉnh tiếp tục lập ngôn không chuẩn về thơ : “Cho nên, trong các châm ngôn về sự viết, tôi quý nhất lời dạy này : “Chân thành là nghệ thuật cao nhất của thơ” “. Đại từ điển tiếng Việt ( NXB Văn hóa &Thông tin 1999, trang 326) định nghĩa từ “Chân thành” như sau: “Chân thành tt. Thành thực, không khách sáo, không giả dối : tấm lòng chân thành , chân thành với bạn bè”. Thưa nhà thơ Hữu Thỉnh, chân thành là thái độ sống, đạo đức sống; nó không phải là nghệ thuật. Chỉ có kẻ quen sống giả dối mới coi chân thành là một nghệ thuật để đóng vở kịch thật thà đặng lừa tha nhân.
Thơ là nghệ thuật của CHÂN-THIỆN MỸ. Nếu chỉ có CHÂN ( thật, đúng), thậm chí kèm thêm THIỆN ( tốt), thì chưa thể gọi là thơ được. MỸ ( hay, đẹp) mới là phẩm chất cao quý nhất của thơ nói riêng và nghệ thuật nói chung, chứ không phải “CHÂN THÀNH là nghệ thuật cao nhất của thơ” như Hữu Thỉnh nhầm lẫn. Nếu nghệ thuật đã đạt được yếu tố MỸ ( hay, đẹp, xúc động) nó đồng thời đã mang được cả nội hàm CHÂN và THIỆN vậy. Những quan niệm A, B, C về mỹ học sơ đẳng này, người ta đã dạy cho học sinh từ thời trung học, ông Hữu Thỉnh chưa học qua hay sao ? Nhất là Hữu Thỉnh từng làm các chức vụ quan trọng của đảng, nhà nước, từng đi đến các hội trường quan trọng để đọc diễn văn, để huấn thị, để khơi mào các hội thảo lớn về văn học nghệ thuật, về triết học, lẽ nào chưa thông bài học vỡ lòng mỹ học Mác-xít ; rằng văn học nghệ thuật coi tính đảng, tính giai cấp, coi định hướng chính trị là bản lề, là cốt lõi nhất của tác phẩm, nhưng nếu nó không có tính nghệ thuật thì cũng chỉ có cách là …vất đi thôi. Bàn về thơ thì phải lấy tiêu chí câu thơ bài thơ có hay không, có đẹp không, có xúc cảm hàm súc dư ba không, nghĩa là có tính nghệ thuật không, chứ sao chỉ lấy sự chân thành làm thước đo quan trọng nhất của thơ như Hữu Thỉnh ngộ nhận?
Với những quan niệm sai lầm về thơ như thế này, nền thơ Việt Nam hôm nay quá bất hạnh vì Hữu Thỉnh thường là chủ tịch các ban giám khảo thi thơ văn, bình chọn thơ văn, chấm giải thơ văn trong tất cả các giải thưởng về thơ văn lớn nhỏ suốt 15 năm nay.
Ca ngợi Trần Gia Thái sống và viết theo quan niệm lấy chân thành làm nghệ thuật, làm gốc, làm “nguyên tắc nhất quán “Hữu Thỉnh trích hai câu nói thông thường mạo nhận thơ của Trần Gia Thái ra khen:
Thật đáng sợ khi mọi thứ đều trơn tuột
Và trong ta xúc cảm chết trong mồ”  ( Sợ)
Thưa rằng, hai câu gọi là thơ trên của Trần Gia Thái chỉ là câu nói vụng về, dễ dãi, rằng sợ nhất là cái ta viết không có gì đọng lại, viết không cảm xúc. Câu nói rất tầm thường này không ai cần đặt ra khi cầm bút; vì đó là lẽ đương nhiên. Cũng như không ai đặt ra khi viết ta phải có giấy mực, hay phải có bàn phím máy tính. Một đứa trẻ đói bụng cần ăn, đâu có băn khoăn chuyện dông dài vô nghĩa rằng: “ Thật đáng sợ nếu như ta nhịn đói / Và trong miệng ta cơm biến mất khi nào”.
 Thế mà Hữu Thỉnh bình hai câu nói ngô nghê trên của Trần Gia Thái, coi đó là “nguyên tắc nhất quán”, đao to búa lớn như sau : “Đây là một quan niệm nghiêm túc nhưng nguy hiểm đấy Trần Gia Thái ạ. Bởi vì nó đòi hỏi sự hết mình, đòi hỏi sự tận cùng, đòi hỏi vô tận sự tâm huyết” (hết trích).
Khen ngợi kiểu rất phường tuồng ba câu gọi là thơ: sáo, nhạt, vô hồn của Trần Gia Thái, Hữu Thỉnh viết không đâu nhập vào đâu, như sau: “Khi yêu, anh cho ta thấy mọi cung bậc sắc màu, hương vị, thậm chí có thể đo được độ nóng của trái tim anh. Nào là trách móc, nào là nhớ nhung, nào là say đắm, và cái được nhất của anh là được một không gian, một từ trường của cảm xúc :
“Gần đến thế mà sao không tới nổi
Bến bờ ơi
Em ảo ảnh đến muôn nghìn” ( Ảo ảnh)
“ Đây chưa hẳn đã là thất tình, càng chưa phải là tuyệt vọng. Ngẫm cho kỹ , đây là thước đo. Tôi không thấy mùi vị của sự chán nản, ngược lại, tôi nhận ra sự cao giá của người tình” (hết trích).
Than ôi, bình thơ theo kiểu đồng bóng, áo thụng vái nhau, chân giả lẫn lộn, bốc một tấc lên trời như Hữu Thỉnh là một cách treo cổ thơ hữu hiệu nhất vậy. Ba câu thơ dở kia của Trần Gia Thái đọc lên không thể nhịn cười, lại càng không thể nhịn cười khi Hữu Thỉnh khát quát “ ảo ảnh” chính là thước đo. Cầm thước đo ảo ảnh siêu hình trên tay, Hữu Thỉnh đo thơ kiểu thày cúng thày mo đo hồn vía người ốm, thì thơ ơi, ta chào mi, mi chỉ còn nước biên sắc biến !
Để bình bốn câu thơ toàn nói của Trần Gia Thái sau đây, Hữu Thỉnh lại bộc lộ một nhận thức sai về nghệ thuật làm thơ, khi ông viết : “Ở trong thơ, nói và hiểu là hai việc khác nhau. Đó là nghệ thuật phô diễn”. Thế thì chẳng lẽ THƠ lại là phường nói một đàng, hiểu nột nẻo, nói một đàng làm một nẻo hay sao ? Không, thơ hay là thơ phải có nghĩa đen và nghĩa bóng. Nghĩa đen ( hiểu) đi cùng câu chữ, bám sát lời thơ, trung thành với lời thơ, chứ không phải khác nhau với câu chữ như Hữu Thỉnh quan niệm. Từ cơ sở của hiểu đúng nghĩa đen, thơ bước vào hành trình nghĩa bóng; nghĩa là một lối hiểu và cảm đa chiều, tượng trưng, biểu cảm, nhòe mờ, mở rộng hiểu ra cõi dư ba, vô bờ, có cảm tưởng như phi ngữ nghĩa, phi lý trí, phi hiểu vậy. Có thể nói, thơ vừa đồng điệu với sự hiểu của thực-tại-lời ( ngôn từ) vừa bước qua giới hạn của hiểu để vào thế giới ảo diệu, vô bờ của cảm, của hư ảo, siêu nhiên. Đó là một quá trình đồng thời chứ không phải bước một là hiểu, là nghĩa đen, bước hai là cảm, là nghĩa bóng.
Xin xem Hữu Thỉnh “thổi” Trần Gia Thái lên tiên: “Trần Gia Thái cho ta thấy biết bao nhiêu cung bậc của tình cảm anh khi yêu, kể cả khi anh nói nhún, anh tự ti, anh bơ vơ,mộng du, đau khổ…thì đấy là một trường tình, tất cả hiện ra, nhưng không một lần ta thấy anh nhỏ bé. Kể cả khi anh thú nhận:
“ Cơn bão giữa lòng người
Cơn bão trong trời đất
Bão quật anh tơi bời
Giữa hai bờ còn? mất ? ( Em đi)
Ôi, chàng trai si tình ! Anh có thể bước đi không vững trong cơn say nhưng tình yêu của anh thật cường tráng”. ( hết trích)
Thơ hết biết nên lời bình cũng một đồng một cốt, hết biết luôn ? Chỉ có Hữu Thỉnh mới phát hiện ra thứ “tình yêu thật cường tráng” của thơ Trần Gia Thái mà thôi. Ôi “người yêu ảo ảnh”, nàng thơ sương khói của Trần Gia Thái lẽ nào lại nhận được lời tỏ tình rất phồn thực rằng, em yêu ơi,  anh sẽ chứng tỏ ngay bây giờ cho em thấy tình yêu của anh rất chi là cường…tráng !
Hữu Thỉnh còn dùng nhiều lời có cánh rất ngoa ngôn, rất hoành tráng để ca ngợi những câu thơ vô cùng nhạt nhẽo và dễ dãi của Trần Gia Thái; hầu như coi ông này là một phát hiện về thơ nói thật, lấy thật là gốc, lấy thật làm thước đo, lấy sự nói toẹt ra làm tiêu chí hay dở. Có khi quên mất mình vừa viết như trên, Hữu Thỉnh bèn nói ngược với mình, rằng Trần Gia Thái lấy “ẢO ẢNH” LÀM THƯỚC ĐO”…Lạy trời, sự đãng trí của nhà bình thơ thật là cao qúy.
Xin trích lời tụng ca của Hữu Thỉnh với những câu thơ nước ốc quá nôm na, quá dễ dãi tầm thường của Trần Gia Thái như sau:

“ …Ở mảng thơ này, anh biến hóa sinh động, tươi tốt hẳn lên. Có lúc rất mộc : “Ổ rơm chân đất manh chiếu rách / Một mùa được mấy bữa no nê” ( Sao mà nhớ). Có lúc xót xa, cay đắng : “ Năm mươi ba tuổi ta bầm dập thương tích/ Đòn vu hồi từ những kẻ vẫn xưng là bạn là anh” ( tuổi 53). Có lúc vô cùng thương cảm viết về người cha đã khuất :
“ Cứ tưởng người đi dạo lúa dạo đồng
Người đi chở cát với vôi nồng
Người đi đội đá xây mương nối
Đong bát mồ hôi đổi cháo không
Bát cháo đồng chiêm cơ cực ơi
Nuốt vào cay đắng nuốt không trôi
Mồ hôi thì mặn nước mắt chát
Đeo đẳng đời cha từng giọt rơi ( Nhớ cha)
 (hết trích)
Chúng tôi không dám trích lời Hữu Thỉnh khen ngợi thơ Trần Gia Thái thái quá làm đoạn kết cho bài viết tụng ca thứ thơ giả, thơ dởm của ông, sợ làm phiền thêm bạn đọc.
Bài viết “Một tập thơ tươi lên nhiều hi vọng” của Hữu Thỉnh hết sức sai về quan niệm thơ, lại bốc thơm một thứ thơ dở của Trần Gia Thái lên mây xanh, gây tai hại vô cùng cho định hướng thẩm mỹ thơ lớp trẻ. Bằng sự đánh tráo hay-dở, thật-giả trong thưởng thức thơ kiểu này, hình như ông Hữu Thỉnh muốn xui bọn trẻ cứ làm thơ như Trần Gia Thái, chắc chắn sẽ được giải thưởng lớn? Có phải đây là thời cái dở lên ngôi, cái xấu lên ngôi, cái giả lên ngôi hay không thưa nhà thơ Hữu Thỉnh ?
Sài Gòn ngày 21-9-2011
T.M.H.
 

NHỮNG CHUYỆN GHÊ GỚM CỦA PHONG THỦY
Nguồn Blog Nguyễn Xuân Diện
Truyện Đinh Tiên Hoàng
Nhà Đinh Tiên Hoàng gần một cái đầm sâu, mẹ ông vẫn thường ra đấy tắm giặt. Một hôm bà bị con rái cá lớn hãm hiếp nên thụ thai và sinh ra ông. Bố ông không biết, chỉ mẹ ông biết ông là con của loài rái cá. Mấy năm sau, người chồng qua đời, mà con rái cá cũng bị dân bắt được đem về ăn thịt, còn xương thì quẳng vào một xó. Bà được tin, đến nơi, đợi mọi người về hết, thu nhặt hết xương đem về, gói ghém cẩn thận và để trên gác bếp và bảo cho Đinh Tiên Hoàng biết đó là hài cốt của cha. Sau, có thầy địa lý Tàu sang nước ta, dõi theo long mạch đến Hoa Lư. Buổi tối thầy địa lý xem thiên văn, thấy có tia hào quang như dải lụa đỏ tự đầm nước bốc lên bắn thẳng vào sao Thiên Mã. Sáng hôm sau, thầy địa lý lần đến xem xét hồi lâu và đoán dưới đáy đầm tất có vật thiêng nên muốn thuê người bơi lặn giỏi xuống dưới đó xem sao. Nguyên là trong đầm đó, người ta đồn rằng bên dưới có chỗ rất thiêng, xưa nay chẳng ai dám bén mảng tới. Vì thế, thầy địa lý treo giải thưởng rất hậu cho người nào có gan lặn xuống để dòm xem. Họ Đinh bèn nhận lời ngay. Rồi ông lặn xuống đó, lấy tay sờ quanh, thấy có một con vật hình như con ngựa đứng dưới đáy đầm. Ông bèn trở lên báo cáo lại cho thầy địa lý biết. Thầy bảo ông lặn xuống chuyến nữa và đem theo một nắm cỏ non, nhử vào mồm ngựa xem nó thế nào. Ông lại cầm nắm cỏ xuống, đứng trước đầu ngựa để nhử, thấy nó há miệng ngoạm lấy nắm cỏ. Ông bơi lên báo cho biết, thầy địa lý gật đầu bảo: "Dưới đầm quả nhiên có ngôi huyệt quý". Rồi thầy đưa ra một số bạc vàng bảo với ông rằng: "Nay hãy tạm thù lao một ít, sau này sẽ xin tặng thêm. Tôi cần phải trở về bản quốc mấy tháng rồi lại sang ngay, bấy giờ ta sẽ nói chuyên sau". Lúc ấy tuy còn ít tuổi, nhưng ông rất thông minh. Nghe bọn khách nói chuyện với nhau, ông hiểu ngay là huyệt ở mồm ngựa, không còn hồ nghi gì. Đợi họ đi rồi, ông đem gói xương ở gác bếp xuống, lấy cỏ bao bọc xung quanh, rồi lặn xuống để vào mồm ngựa, ngựa bèn ăn hết ngay. Từ đó nhiều người phục tòng ông và tôn ông làm trại trưởng...  
Cách mấy năm sau, thầy địa lý đem xương bố ở Trung Quốc sang, tìm đến chỗ đầm ấy để mai táng. Nghe nói Đinh Bộ Lĩnh đã trở thành bậc anh tài cái thế, thủ hạ có hơn một nghìn người, thầy địa lý biết ngay là họ Đinh đã táng huyệt ấy rồi. Thấy uổng phí bao nhiêu công sức, thầy căm tức lắm, bèn đến bảo ông rằng: "Nghe nói ông đã được đất. Cái huyệt tuy đẹp, nhưng ngựa không có gươm thì không được tốt. Nay tôi tặng cho một thanh gươm, ông đem xuống treo ở cổ ngựa, như vậy thì ông sẽ dọc ngang trời đất, đánh đâu được đấy". Đinh Bộ Lĩnh tin lời thầy địa lý bèn lặn xuống chỗ ngựa thần, lấy tay sờ cổ ngựa, để gươm vào đấy rồi bơi lên. 
Từ đó đánh đâu được đấy, gọi là Vạn Thắng Vương. Ông dẹp được 12 sứ quân, thống nhất dư đồ, lên làm vua, hiệu là Đinh Tiên Hoàng. Ông ở ngôi 12 năm thì bị tên hầu cận là Đỗ Thích ám sát, con cả là Đinh Liễn cũng bị giết. Vì thầy địa lý dùng kế đánh lừa để gươm vào đầu ngựa, nên hai bố con ông mới thế.   

TRUYỆN MỘ TỔ NHÀ TRẦN
Tiên Tổ nhà Trần ở xã Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, (tỉnh Nam Định) đời đời làm nghề đánh cá, một dải trường giang ở phía Nam đâu đâu cũng là nhà. Bấy giờ có một ông thày địa lý Trung quốc sang nước ta xem đất. Chú theo Long mạch từ núi Tam đảo đi xuống, qua Thăng long, Cổ Bi đến các xã Kệ Châu và Cao xá thuộc Huyện Kim Động, thấy có nhiều đống đất hoàn tụ, bèn cười nói rằng:
- Đây là chỗ đóng quân và nấu cơm. Đến xã Phượng Trà, huyện Nam xương không thấy vết tích đâu nữa. Chú ngắm trông một hồi lâu rồi nói :
- Nước sông chảy mạnh, không lẽ huyệt lại ẩn tàng dưới đáy sông. Chú bèn sang sông đi đến Huyện Hà liễu, Huyện Ngự Thiên, thấy các ngọn núi đều đứng thẳng, liền lấy tay chỉ và cười nói rằng: - Chỗ cất đầu lên ở đây, trốn tránh ta như thế nào được. Chú tìm đến chỗ phát tích tại xã Nhật Cảo và chỗ kết cục tại xã Thái Đường mới hạ la bàn để xem xét và cứ say mê quanh quẩn mãi ở đấy không đi được. Chợt có Nguyễn Cố người xã Tây vệ đến đấy, hỏi Khách rằng:
- Ông lưu ý ở chỗ này, có Huyệt tốt phải không ? Khách ngửa mặt lên Trời cười nói rằng: - Không ngờ ở nơi bình địa mà lại có đất Đế Vương. Đáng chê các thày Địa lý thời nay, không Thày nào có nhãn lực. Nguyễn Cố nói : - Nếu quả là đất Đế Vương, xin Ông cho tôi. Ông muốn được tạ lễ bao nhiêu, tôi cũng xin nộp đủ.
Khách nói : - Nhà ông có Phúc may gặp được tôi thì tôi cho ông. Nhưng sau khi táng rồi, ông phải trả tôi ngay 100 quan tiền, và về sau lấy được nước, ông phải cho tôi một nửa. Nguyễn Cố xin vâng lời, rồi đem mộ Tổ táng vào chỗ ấy. Khách sợ Cố phản trắc, bèn bảo :
- Táng xong tất có điềm lành. Nhưng trong hạn trăm ngày, thỉnh thoảng phải đến thăm nom. Nếu sau cơn mưa gió, sấm sét, thấy có sự lạ, thì lành ít, dữ nhiều, phải táng đi chỗ khác ngay. Nguyễn Cố đem mả Tổ táng vào nơi ấy, được ba bốn ngày, đến nửa đêm có một tiếng sét rất to, làm kinh động nhân dân và súc vật ở vùng ấy. Sáng hôm sau đi xem thì thấy ở các xã Đặng xá, Tây vệ và Thái đường có nhiều hòn đá nhô lên, gọi là đá tai mèo, khắp vườn tược ao chuôm, nơi nào cũng có. Những hòn đá ấy đến nay vẫn còn.  
Nguyễn Cố biết là được đất rồi, rất lấy làm mừng rỡ. Vợ Cố bảo rằng: - Ngôi đất ấy dầu cho là phát Phúc, nhưng hiện nay thì làm thế nào lo được 100 quan tiền. Vả lại sau này chia đội Thiên hạ, thì còn được bao nhiêu.
Cố thấy vợ nói thế, thì định bụng không tạ lễ cho chú Khách nữa. Khi Khách đến hỏi, Cố hẹn mấy ngày sau sẽ trả. Khi đến hẹn, Khách tới nhà, Cố liền bắt trói lại, rồi đang đêm đem vứt xuống sông. Vất xong vội vàng chạy về. Nguyên chỗ Cố vất Khách xuống là một bãi phù sa, nước Thủy triều dâng lên ngập cả bãi. Sau khi vất Khách xuống, nước triều rút lui, bãi phơi khô, Khách nằm lại trên bãi. Chợt có một chiếc thuyền đánh cá của họ Trần đi ngang qua đấy, nghe có tiếng người hô hoán, vội tới cứu đem lên thuyền, rồi cở trói cho Khách và hỏi duyên cớ. Khách đem đầu đuôi sự việc này thuật lại cho họ Trần nghe và nói thêm rằng: - Nhờ có ông mà tôi được sống lại. Tôi xin đem ngôi đất quý ấy biếu ông để tạ ơn. Người họ Trần nói:
- Ngôi đất đó Nguyễn Cố đã táng rồi còn làm gì được nữa.
Khách nói:
- Tôi đã tính trước, ngôi đất ấy thế nào nhà ông cũng được.
Người họ Trần bèn lưu chú Khách ở trong thuyền, không để lộ cho người ngoài biết. Khách bảo người họ Trần lấy đồng đỏ đúc lưỡi Tầm sét và lấy cây vang nấu nước để dùng.
Một đêm, mưa to gió lớn và luôn có tiếng sét đán. Đến khi tạnh mưa, Khách và người họ Trần đem lưỡi tầm sét cắm xuống mộ Tổ của Nguyễn Cố, xuyên thủng đến quan tài, rồi lấy nước vang tưới vào mộ. Sáng hôm sau Nguyễn Cố ra thăm, cho là mộ bị sét đánh, có máu chẩy ra, vội vàng rời mộ ra chỗ khác. Khách bèn đem mộ Tổ họ Trần táng vào đó.
Ngôi đất này phía trước trông ra ngã ba sông Cái(Nguyên chú: Thuộc xã Hữu Bị Huyện Mỹ lộc, tục gọi là Cửa Vàng) ..Phía sau gối vào voi phục, lâu đài và cờ, gươm bài trí hai bên. Huyệt ở Thổ Phúc tàng Kim (Trong đất giấu vàng), tọa Càn - Hướng Tốn. Táng xong Khách bảo rằng: Phấn đại yên hoa đối diện sinh, hẳn lấy được nhan sắc Thiên hạ.
Người họ Trần nói: Nếu được như lời Ông, xin chia cho Ông một nửa đất nước.
Khách nói :
- Không cần phải làm như thế. Nhà ông hưởng nước, chỉ cần đời đời tư cấp cho nhà tôi đủ ăn, đủ mặc mà thôi.
Người họ Trần hứa sẽ ghi lòng tạc dạ. Rồi làm giấy tờ giao ước, mỗi bên giữ một bản để làm tin. Lại nói chú Khách vốn là người tâm cơ trí lực . Chú làm hai bản sấm thư để lại cho con cháu và dặn:
- Nếu sau này họ Trần vẫn đối đãi tử tế, thì bảo thực cho họ biết. Nếu họ bội ước thì như thế, như thế ...
Khách lại bảo họ Trần rằng:
- Tôi đã để lại một phép, có thể làm cho nhà ông trị vì được lâu dài hơn. Phép ấy là gì, sau này sẽ bảo cho biết.
Họ Trần vô cùng cảm tạ.
Trần Thừa là cháu ba đời, năm Diên phúc thứ 8 (1218) triều Lý, sinh ra Trần cảnh mũi cao, mặt Rồng, được Chiêu Hoàng nhường ngôi cho làm Vua Thái Tông. Ban đầu khi con cháu chú Khách ở Trung quốc sang, các Vua Trần đều tặng tống rất hậu. Nhưng đến cuối đời thì đối đãi kém tử tế. Một người cháu của chú Khách sang nói với Vua Trần:
- Tổ tiên hạ thần có để lại một bản sấm thư, dặn đến năm nay thì đem sang trình quý Quốc.
Vua Trần xem sấm thư thấy nói: Ngôi mộ phát tích ở Thái Đường nay sắp hết thịnh, cần phải khơi thông Thủy đạo thì mới giữ được lâu dài. Vua Trần tin lời nói ấy, bèn chiểu theo họa đồ ở sấm thư đào một Thủy đạo từ sông Cái xã Phú xuân đi vào, quanh đến xã Thái Đường.(Con sông ấy nay vẫn còn dấu vết). Không ngờ đào đứt Long mạch, họ Trần bèn suy , rồi bị Xích Chủy hầu(Gọi Hồ Quý Ly) thoán đoạt. Xét ra Vua Trần trị vì được từng ấy năm, là do mệnh Trời, chứ sức người làm thế nào được. 
NXD - sưu tầm

TRUYỆN TRÂU CANH Ở NÚI TỬ TRẦM
Tại phía Tây đất Tử Trầm, huyện Yên Sơn (nay là núi Trầm, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) có hơn mười ngọn núi đá chạy dài gần một dặm, phong cảnh thanh tú đáng yêu. Bên trong có một cái động đá, bên dưới có chùa, tiền Thánh Vương lập cung ở đó, thường đến chơi luôn và đổi tên là xã Phụng Châu. Ở phía đông núi có một hòn đá nhô lên, rất giống hình con cóc tía. 
Tương truyền xã ấy có môt người tên là Trâu Canh nhà nghèo, phải đi làm thuê kiếm ăn. Một hôm, ông đang nhổ mạ ở khe núi chợ có một chú khách Trung Quốc đi qua nói rằng: Tôi có một ngôi đất tốt, nếu có ai xin tôi sẽ cho ngay.
Ông nghe thấy khách nói, liền bỏ mà chạy đến trước mặt vái chào và mời về nhà. Ông chỉ chuẩn bị được một niêu cơm bé đem ra cho khách ăn và nói với khách rằng: May mắn dược gặp ông, thế là nhà tôi có phúc. Chỉ vì nghèo túng, nên bữa ăn quá đạm bạc. Nếu ông cho tôi một ngôi phúc địa, đời sau phát dạt, không bao giờ chúng tôi dám quên ơn. Khách thấy ông thành khẩn, bèn dẫn ông đến chỗ con cóc tía bên cạnh núi chỉ vào bảo ông rằng: Chỗ đất này rất đẹp nếu làm nhà ở thì tất sẽ giàu sang. Nhưng sau khi đã được gần vua chúa rồi thì phải dời nhà đi chổ khác ngay chứ không nên ở lại dù chỉ một ngày. Ông theo lời khách làm gian nhà tranh chỗ đó để ở, được ba năm. Bấy giờ trong làng có tục lệ đánh cá. Ao cá ở bên cạnh núi trước cửa nhà ông dài rộng mỗi bề độ vài trượng. Dân làng đem dó và lưới xuống ao đánh cá. Ông ở dưới ao lấy dây buột đó cá vào người. Dây buộc tự nhiên đứt ông phải leo lên bờ lấy môt đoạn dây mây quấn vào ngang thắt lưng thay dây cũ. Bổng thấy dương vật cương lên, cứng rắn lạ thường. Ông chỉ có một chiếc khố rách, sợ không che dậy được nên phải đứng ở dưới ao, không dám lên bờ. Bấy giờ dân làng đã lục tục kéo nhau về, chỉ còn một mình ông ở lại. Sau mẹ ông đến tìm, thấy một mình ông ở dưới nước, bèn quở mắng ông sao lại về chậm. Ông cởi đó cá ra đưa cho mẹ đem về, rồi cởi dây mây ở ngang thắt lưng ra, thì thấy dương vật dần dần xìu nhỏ lại và mềm nhũn ra như thường. Sau khi ông về nhà, mẹ ông hỏi vì cớ gì mà phải ở lại dưới ao. Ông cứ thực thưa với mẹ. Mẹ ông bèn lấy dây mây phơi khô để lên gác bếp rồi thỉnh thoảng sai ông lấy dây ấy đeo thử vào người thì thấy dương vật cương cứng. Lần nào cũng hiệu nghiệm như thế. Bấy giờ vua Trần Dụ Tông bị bệnh liệt dương, các thầy thuốc chữ mãi không khỏi. Vua cho sứ giả đi rao khắp trong nước, hứa người nào chữa khỏi, thì vua sẽ cho ăn một nửa dân lộc thiên hạ. Sứ giả đến làng ông. Mẹ ông gọi sứ giả vào hỏi: Liệt dương là bệnh gì ? Sứ giả cứ thực nói cho bà biết. Bà nói: Nhà tôi có một vật có thể chữa khỏi được cho vua. Rồi hai mẹ con đem dây mây theo sứ giả vào Kinh dâng vua. Vua đeo dây mây vào, quả nhiên dương vật hoạt động trở lại, sau sinh dược hai Hoàng tử. Vua cho ông là thần y bèn lưu lại ông ở trong cung để trông nom thuốc men cho vua, vua ban thưởng rất hậu và sủng ái hơn tất cả mọi người. 
Từ khi được Vua sủng ái, ông quên mất lời dặn chủa chú Khách, không dỡ nhà đem đi chỗ khác. Sau con ông thông dâm với cung nữ. Việc bị phát giác, con ông bị tử hình, còn ông thì bị đuổi về. Gia tư điền sản bị tịch thu hết, ông lại bị đói rét như ngày trước. Chỗ nhà ông ở phía trước có mấy mẫu ruộng cao hình giống như chiếc bàn dao cắt thuốc, cho nên nổi tiếng về nghề làm thuốc. Nhà ở cạnh núi, mỗi khi mặt trăng tà chiếu, bóng núi đổ xuống, trông như con cóc ở trên nóc nhà, còn người thì như đang ngồi tại cung trăng, cho nên được gần vua chúa, ra vào nơi cung cấm. Chỉ hiềm nhà ở cạnh núi, địa thế bức bách, phía trước lại hướng về kiếp sơn (?), đi lại vô định, cho nên giàu sang không được lâu.   
NXD - sưu tầm

Truyện họ Vũ ở xã Trung Hành
Nguồn Blog Nguyễn Xuân Diện
Tại xã Trung hành - huyện An Dương có một người họ Vũ, nhà nghèo nhưng hay làm việc thiện. Bấy giờ trong làng thường có một người hay nhờ thày Địa lý xem đất. Sau khi tìm được một ngôi đất đẹp và đem mộ Tổ đến táng. Một đêm, người ấy nằm mơ thấy một vị Thần nhân đến bảo rằng: -Ta cai quản địa phương này. Ngươi là ai mà dám đem mộ đến táng ở đất của ta. Ngươi phải di mộ đi nời khác ngay, nếu không sẽ có tai vạ. Người ấy còn trù trừ chưa quyết, thì cả nhà đau ốm, trong họ không yên. Lại nằm mơ thấy Thần nhân đến bảo: - Nhà ngươi ít phúc, không đương nổi cái huyệt ấy. Ta giữ cái huyệt cho họ Vũ. Ngươi nên nhường cho họ đó, thì con cháu ngươi sau này sẽ được họ ấy báo đáp. Người ấy theo lời Thần bảo, đến nói với người nhà họ Vũ rằng: -Tôi có một ngôi đất tốt. xin nhường cho ông. Sau này nhà ông phát đạt, thì đừng quên con cháu tôi. Người họ Vũ xin vâng, rồi đem mộ phần tiên nhân táng vào ngôi đất ấy. Về sau, họ Vũ hưng thịnh, sinh ra nhiều người tài nghệ và vũ dũng hơn người. Trong khoảng Trung hưng, họ này có công dẫn đường diệt Mạc, được phong công thần. Đến nay, con cháu được kế tiếp nhau nắm giữ quyền binh, tước lộc đương thịnh. Bấy giờ có câu tục ngữ: An Dương trung hành, Kim Thành Quỳnh Khê - Ý nói làng Trung Hành thuộc huyện An Dương và làng Quỳnh Khê thuộc huyện Kim Thành là những làng đời nào cũng có nhiều quan chức.

Truyện mộ tổ ở Vịnh Kiều

Thượng thư (triều Mạc) Nguyễn Văn Huy là người xã Vịnh Kiều, huyện Đông Ngàn. Nguyễn Phúc Ngộ là ông nội, bình sinh hay làm việc thiện. Ông ngụ cư ở xã Đông Lâu, huyện Yên Phong, làm nghề nấu rượu. Bên cạnh nhà ông có một cây Bồ đề cổ thụ bị bão làm đổ. Ông mua cây ấy làm củi đun. Khi đào đến rễ cây, thấy ở dưới có một cái huyệt chôn bạc ước độ đôi ba thùng. Ông đem số bạc ấy về nhà cất giấu, rồi chuyển nhà đi nơi khác. Hai ba năm sau, một người Khách Trung Quốc đến lấy bạc, nhưng không thấy bạc đâu mà chỉ thấy một cái huyệt không. Người Khách hỏi những người lân cận, biết ông đã được số bạc ấy, bèn tìm đến nhà ông đưa ra một bản sấm cũ và nói rằng:
-Tôi vì gia sản của tiên nhân lặn lội đến đây, không hay Trời đã cho ông rồi. Nay tôi định trở về nước, xin ông tư cấp cho một ít lộ phí, thì tôi được đội ơn ông nhiều lắm.Nguyên từ khi được số bạc ấy, ông đem về cất đi, không biết là bao nhiêu. Đến đây, ông xem bản sấm thì thấy số bạc ông được đúng như số bạc đã ghi ở trong bản sấm, không sai một ly. Ông bèn khoản đãi người Khách và bảo rằng:
- Số bạc này chính là tôi bắt được, nhưng cứ để nguyên cất đi, không hề lấy một chút nào ra tiêu dùng. Số bạc ấy, vốn là di sản của nhà ông, thì tôi xin hoàn lại ông tất cả.
Người Khách từ chối mà rằng:
- Số bạc ấy tuy là di sản của nhà tôi, nhưng nay ông đước thì là của ông. Nếu ông có cho, thì tôi chỉ xin đủ tiền ăn đường về nước thôi. Còn việc ông hoàn cả, thì tôi không dám tuân mệnh.
Ông nhất định không nghe. Người Khách lại nói:
- Ông đã có lòng thành thì tôi xin lĩnh một nửa. Ông nói: - Tôi đây há không quý tiền bạc hay sao? Nhưng số bạc này không phải của nhà tôi. Trời chỉ sai tôi giữ cho ông, cho nên tôi phải cất đi để đợi ông. Vậy ông đừng từ chối nữa. Người Khách thấy ông kiên quyết như thế không dám trái ý, bèn lĩnh bạc ra về. Sau khi về nước, người Khách thường đem việc ấy kể cho mọi người cùng nghe. Một thày Địa lý nghe được câu chuyện, nói rằng:
- Ít có người tốt bụng như thế, nay ta già rồi, giá ta còn trẻ thế nào ta cũng sang An Nam tìm cho nhà ấy một ngôi đất tốt để đền ơn.
Người Khách khẩn khoản nhờ thầy giúp. Thầy Địa lý nói:
- Ta có hai người học trò có thể sai đi được.
Người Khách cùng hai người học trò đó sang An Nam. Bọn họ đến xã Vịnh Kiều hỏi thăm thì Phúc Ngộ đã mất từ năm trước rồi. Người Khách sắm một lễ phúng đem đến nhà ông cúng tế. Cúng xong ra đi, không biết đi đâu. Hơn hai tháng sau, người Khách lại đến bảo con ông rằng:
- Tôi chịu ân đức của Tiên công, không biết lấy gì báo đáp. Nay tôi đem hai thày Địa lý giỏi sang tìm cho ngài một ngôi đất tốt để tạ ơn. Một ngôi kiểu quần sơn củng phục(Các núi chầu lại), có thể làm một đời Đế Vương. Một ngôi kiểu Cáo trục hoa khai(Phong tước nở hoa), có thể làm được một đời Phò mã. Trong hai ngôi ấy, ông thích ngôi nào?
Con ông trả lời rằng:
- Nhà tôi ở chỗ thôn quê bỉ lậu, dám đâu hy vọng những sự lớn lao ấy. Tôi chỉ mong có được một ngôi đất đời nào trong nhà cũng có văn nho mà thôi. Hai thày Địa lý nói rằng:
- Nếu anh muốn như thế, thì ở làng ta đây đã có sẵn ngôi đất đó rồi, không phải đi tìm ở đâu nữa.
Xét ngôi đất ấy, long mạch khởi từ xã Cẩm Chương đi lại, đến đầu làng Vĩnh Kiều thi nhô lên thành hai mô đất. Một mô hơi to và bằng phẳng. Một mô hơi bé và hơi méo lệch. Người học trò thứ nhất bảo huyệt mộ ở mô to. Người học trò thứ hai cho là không phải, anh ta bèn đến một cái vũng nước sâu ở phía trước mặt, nằm xuống ngắm trông một hồi lâu rồi đứng dậy mà nói rằng: Tôi đã nghiên cứu kỹ, đích thực huyệt ở mộ bé. Hai người tranh luận mãi không quyết định được.
Họ bèn vẽ bản đồ chỗ đất ấy, sai người đem về Trung quốc xin Sư phụ định đoạt. Sư phụ nói rằng:
- Ngôi đất này là kiểu Hoàng xà thính cáp(Rắn vàng nghe ngóe), khí ở tai. Hai mộ đất tức là hai tai vậy. Mô lớn tất điếc. Mô bé hơi chéo có khí, huyệt ở mô bé ấy.
Con ông theo lời đem hài cốt cha di táng vào đấy. Mô đất ngồi ở phương Cấn (Đông Bắc) ngoảnh mặt về phương Khôn (Tây Nam). Quả nhiên đến đời Văn Huy là cháu đích tôn của Phúc Ngộ thì phát.
Văn Huy đỗ Thám hoa khoa Kỷ Sửu (1529), niên hiệu Minh Đức (1527 - 1529) và làm quan đến Thượng thư thì về hưu.
Văn Huy có ba con trai:
- Con cả là Trọng Quýnh, đỗ Hoàng giáp khoa Đinh Mùi (1547) niên hiệu Vĩnh Định đời Mạc Phúc Nguyên, và cũng làm đến Thượng thư.
- Con thứ hai là Đạt Thiện, năm mười tám tuổi đỗ Hoàng giáp khoa Kỷ Mùi (1559) niên hiệu Quang Bảo đời Mạc Phúc Nguyên, và làm đến Thị lang.
- Con út là Nguyễn Danh Nho đỗ Tiến sĩ khoa Canh Tuất (1550) và làm quan đến Đô khoa.
Cháu đích tôn của Văn Huy là Giáo Phương đỗ Hội nguyên khoa Bính Tuất (1586) niên hiệu Đoan Thái đời Mạc Mậu Hợp. Lúc vào thi Đình đỗ Thám hoa, bài đối sách được quan trường phê rằng: "Văn của Giáo Phương trôi chảy như nước sông Giang sông Hán, càng viết càng hay".
Cháu bốn đời của Văn Huy là Đức Vọng đỗ Hội nguyên khoa Quý Sửu (1673) niên hiệu Đương Đức đời Lê Gia Tông, lại đỗ khoa Đông các và làm quan đến Đô đài. Công Viên, Đức Đôn và Quốc Ích kế tiếp đăng khoa, đều là cháu chắt của Văn Huy.Tương truyền họ ấy những người đỗ đại khoa, mặt đều hơi lệch, đó là do khí đất chung đúc tạo ra như thế".
Truyện bà Cung phi ở làng Hoàng Xá
Tại xã Hoàng Xá - huyện Thanh Lâm có một người rất giầu, thường hay mời các Thày Địa lý về xem đất. Sau khi tìm được một ngôi ở núi Nga Mi. Thày Địa lý phê rằng: - Ngôi đất này nhất định phát cung phi.
Người ấy bèn đem mộ tổ chôn vào đấy. Về sau, trong họ có nhiều người đau mắt, đi xem, Thày bói bảo rằng: Mộ Tổ động, cho nên họ không được yên. Người ấy bèm đem mộ tổ đi táng chỗ khác, mà mộ cũ thì bỏ đấy, không đắp lại như trước. Bấy giờ, trong làng có một người nghèo chết. Vợ nhà người đó thuê người đem đi chôn. Đi đến chỗ ấy, thấy có cái huyệt đã đào sẵn, bèn bỏ xuống lấp đất lại. Bấy giờ người vợ đang có mang ba tháng, đến kỳ sinh hạ một con gái.
Khi lớn lên, người con gái ấy thông minh lạ thường, nhan sắc xinh đẹp, được dâng vào hầu cận Chiêu Tổ Khang Vương Trịnh Căn (1682 - 1709) và được sủng ái hơn tất cả các cung phi khác. Đến nay trong họ vẫn còn được hưởng phúc trạch và tiếng tăm vẫn còn vẻ vang.
         *Các truyện trong loạt bài Những chuyện ghê gớm của phong thủy trích từ sách Công Dư Tiệp Ký tiền biên của cụ Vũ phương Đề viết vào năm Cảnh Hưng thứ 16 (1755). Bản dịch của Đoàn Thăng. Nxb. Văn học. HN, 2001.



Đọc tập thơ của Trần Gia Thái, buồn về hội chứng "méo mó hình hài vẹo siêu nhân cách" của nền văn học hôm nay
 Trần Mạnh Hảo

...Thế mà Trần Gia Thái dám vu oan giá họa cho các vị yêu nước hết mực kia là xấu xa, là phản động thì có phải ông đã bị “méo mó hình hài vẹo xiêu nhân cách” rồi hay sao? Ông Trần Gia Thái nên biết rằng năm ông sinh ra đời, tức năm 1955, nhà văn Nguyên Ngọc đã được giải nhất giải thưởng văn nghệ Việt Nam với tác phẩm “Đất nước đứng lên” đồng hạng với tác phẩm thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu. Thế mà ông dám “hắt một chậu mực lên mặt, dội một xô nước thối lên người” ông Nguyên Ngọc...
Chúng tôi xin mạn phép ông Trần Gia Thái mượn cụm từ “méo mó hình hài vẹo xiêu nhân cách” của ông để gắn vào đuôi nhan đề bài viết này.
“Lời nguyện cầu trước lửa” ( NXB Hội nhà văn 2011) là tập thơ đầu tay của ông Trần Gia Thái, 56 tuổi, thấy đề chức danh ở phần gấp bìa một như sau : “Ủy viên thường vụ - Trưởng ban nghiệp vụ hội nhà báo Việt Nam. Chủ tịch hội nhà báo thành phố Hà Nội. Tổng giám đốc-Tổng biên tập Đài Phát thanh- Truyền hình Hà Nội”. Sau khi viết bài phê bình: “ Vì sao nhà thơ Hữu Thỉnh hết lời ca ngợi những câu thơ tẻ nhạt của Trần Gia Thái ?” in trên hàng chục báo mạng, chúng tôi thiết nghĩ sẽ không viết gì thêm về tập thơ của Trần Gia Thái nữa.
( Nhân đây, chúng tôi cũng xin thưa về danh xưng “ chúng tôi” khi viết phê bình văn học. Có khá nhiều bạn đọc, bằng những góp ý dưới bài viết của chúng tôi, chê chúng tôi dốt : rằng, ông Hảo chỉ được quyền xưng tôi, chỉ có mình ông sao lại xưng là “ chúng tôi”, hay có rất nhiều ông Hảo khác cùng đứng tên, hay ông đại diện cho một tập thể người nào để viết ? Thưa, để giữ phép lịch sự và để khiêm tốn, khi trước tác, người ta không ông ổng xưng tôi thế này, tôi thế nọ, nghe chướng; vì “cái tôi đáng ghét” mà ! Do đó, việc người viết dùng danh xưng “ chúng tôi” là một thói quen khiêm tốn, lễ phép của văn hóa viết, văn hóa nói Việt Nam và thế giới. Nhiều vùng miền Trung và miền Nam khi nói chuyện với nhau, tuy chỉ có hai người, hai bên vẫn nhất mực xưng “ bầy tui” đó sao” ?)
Khi đọc “ Lời nguyện cầu trước lửa” của Trần Gia Thái, trang 58, đến đoạn sau, với những lời nói rất nôm na, không thể gọi là thơ, tôi quyết định viết bài báo này. Xin trích :
“…Tôi lịm dần, lịm dần trong đớn đau cùng cực
Không đau đớn làm sao khi anh bị hàm oan, bị người ta hắt một chậu mực lên mặt, dội một xô nước thối lên người.
Cơn đau quặn thắt thay vì thét lên : Không phải thế, tôi nuốt nước mắt vào trong miệng vẫn rầm rì như cầu nguyện : không phải thế…
Không …phải…thế, cho đến khi toàn thân dại tê vô cảm.
Ai bảo cây ngay không thể nào chết đứng
Trước mắt người đời tôi thành kẻ méo mó hình hài vẹo xiêu nhân cách…”
( Lời ông già tiên tri và bài thơ viết ở tầng tư)
Thưa qúy bạn đọc, trên đây là những lời ông Trần Gia Thái viết về nỗi đau tột cùng của ông khi ông bị người ta vu oan giá họa. Nhân vật xưng “tôi” trên có thể là chính tác giả hoặc là một cái tôi biểu tượng, cái tôi hư cấu, nhưng hệ quả mà lời vu oan mang lại thì tột cùng đau đớn cho “tôi”.

Thưa ông Trần Gia Thái, để khỏi bị “ méo mó hình hài vẹo xiêu nhân cách”, khế ước về đạo đức xã hội quy định rằng : cái gì mình không muốn, thì đừng đổ vấy lên đầu kẻ khác; rằng tự do của anh nghĩa là đừng làm mất tự do của người khác.
Việc ông Trần Gia Thái chỉ thị cho thuộc hạ ở Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, tối 21/8/2011, tối 22/8/2011 đã phát hình hai chương trình truyền hình dài dằng dặc nhằm bôi nhọ, vu oan giá họa cho những người yêu nước biểu tình chống quân Trung Quốc xâm lược tại khu vực quanh Bờ Hồ Hoàn Kiếm Hà Nội như các ông : nhà văn Nguyên Ngọc, GS. Nhà văn Nguyễn Huệ Chi, TS. Nguyễn Quang A, GS.TS, nhà khoa học Ngô Đức Thọ, TS. Nguyễn Văn Khải, Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội Phạm Xuân Nguyên, nhà văn Vũ Ngọc Tiến, TS.[...] Nguyễn Xuân Diện…là xấu xa, là phản động, cần kiên quyết với những phần tử phản động này…thì hành vi vu khống khủng khiếp này nên gọi tên là gì thưa ông Trần Gia Thái ? Ông Trần Gia Thái đang bị những người yêu nước chân chính trên kiện ra tòa vì tội vu khống. Nếu những nhân vật nổi tiếng kia xấu xa, phản động như ông Trần Gia Thái vu vạ, sao ông Bí thư thành ủy đảng cộng sản Việt Nam thành phố Hà Nội Phạm Quang Nghị lại mời họ đến gặp cùng đối thoại. Chính ông giám đốc công an Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh đã trả lời báo chí rằng, những người biểu tình quanh Bờ Hồ vừa qua là những người yêu nước…
Thế mà Trần Gia Thái dám vu oan giá họa cho các vị yêu nước hết mực kia là xấu xa, là phản động thì có phải ông đã bị “méo mó hình hài vẹo xiêu nhân cách” rồi  hay sao ? Ông Trần Gia Thái nên biết rằng năm ông sinh ra đời, tức năm 1955, nhà văn Nguyên Ngọc đã được giải nhất giải thưởng văn nghệ Việt Nam với tác phẩm “ Đất nước đứng lên” đồng hạng với tác phẩm thơ “ Việt Bắc” của Tố Hữu. Thế mà ông dám “hắt một chậu mực lên mặt, dội một xô nước thối lên người” ông Nguyên Ngọc ( và các chiến hữu yêu nước) đáng tuổi cha ông Thái, một vị công thần cách mạng, công thần văn học của nhà nước Việt Nam như thế thì thử hỏi, ông là người có văn hóa hay không ? Ủng hộ, đứng đằng sau những người yêu nước biểu tình như các ông Nguyên Ngọc, Nguyễn Quang A, Nguyễn Huệ Chi, Phạm Xuân Nguyên, Ngô Đức Thọ, Nguyễn Xuân Diện…kia là các bậc nguyên lão quốc gia như GS. Hoàng Tụy, thiếu tướng nguyên đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Nguyễn Trọng Vĩnh, luật sư Trần Lâm, nhà ngoại giao Dương Danh Dy…, là toàn thể nhân dân im lặng, không phải các thế lực thù địch nào đâu thưa ông Trần Gia Thái ?
Chúng tôi lấy làm lạ, một người căm thù đến xương tủy những người yêu nước chân chính như ông Trần Gia Thái mà cũng dám cầm bút làm thơ ư ?
Khi đã “méo mó hình hài vẹo xiêu nhân cách”, khi mang trong người “ tâm hồn nước lạ” như Trần Gia Thái, dứt khoát không thể có tấm lòng cao đẹp để bước vào ngôi đền thi ca.
Trần Gia Thái dành cả trang năm của tập thơ để in thủ bút “tuyên ngôn nghệ thuật” rất chi là hoành tráng của ông như sau : “ Để có một tác phẩm văn học nghệ thuật ra đời phải có biết bao nhiêu sự vun đắp bồi bổ tích nạp ghê gớm ngoài bản thân tác giả Những đóng góp ấy thậm chí còn vượt lên , vượt xa trở thành vô hình vì quá lớn lao mà chỉ những người coi nhẹ chữ TÔI mới nhận biết được. Tập thơ này cũng vậy - ở đây – quê hương, dòng họ, gia đình, vợ con, bằng hữu, đồng nghiệp, người thân đã hào phóng ban tặng tôi cảm xúc, lại còn mang đến cho tôi một môi trường thanh sạch để trải mình…Xin được cám ơn, biết ơn và yêu thương tất cả…Hà Nội 20/4/2011, ký tên Trần Gia Thái”
Những dòng thủ bút tuyên ngôn có cánh mở đầu tập thơ trên, chắc chắn ông Trần Gia Thái phải đọc đi đọc lại, cẩn thận từng câu chữ rồi mới chụp để in lên sách cho bàn dân thiên hạ tỏ tường. Chúng tôi chưa từng đọc ở đâu một đoạn văn trúc trắc, lủng củng, ý tứ lộn xộn, tầm phào, lại sai ngữ pháp tiếng Việt như đoạn văn trên của Trần Gia Thái. Câu văn đầu của đoạn trên không có dấu chấm câu, lại thiếu cả thành phần chủ ngữ và thành phần vị ngữ. Câu văn luộm thuộm không rõ nghĩa mà lại rất buồn cười : “ ngoài bản thân tác giả” thì những việc “ vun đắp bồi bổ tích nạp ghê gớm” kia trút vào đâu, trút vào hư vô à ? Câu văn thứ hai hết sức vô nghĩa khi Trần Gia Thái bảo “ Những đóng góp ấy” ( tức thành công của tác phẩm văn học nghệ thuật) “ vượt lên, vượt xa trở thành vô hình vì quá lớn lao” là sao ? Ô hay, thí dụ “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, thơ Nguyễn Trãi, thơ Hồ Xuân Hương…vì quá lớn lao mà biến thành vô hình cả hay sao ? Chỗ này, Trần Gia Thái đã viết rất bậy. Trần Gia Thái, ở cuối câu văn thứ hai đưa ra một ý tưởng mà giời cũng không hiểu nổi là : “…mà chỉ những người coi nhẹ chữ TÔI mới nhận biết được” ? Người thưởng thức tác phẩm văn học phải mang hết cái TÔI của mình mới có thể thành tri âm tri kỷ với tác giả được. Đọc thơ Hồ Xuân Hương mà bỏ cái tôi ra ngoài, tức bỏ hồn vía ra ngoài, bỏ con người thật với đầy đủ thành tố phồn thực bản năng của mình ra ngoài thì làm sao cảm nhận được hồn vía thi ca tuyệt diệu của bà chúa thơ Nôm ?
Câu văn thứ ba, Trần Gia Thái hạ một kết luận kinh người : “Tập thơ này cũng vậy”. Nghĩa là tập thơ “Lời nguyện cầu trước lửa” của ông Thái tuân thủ mọi kết luận của hai câu trước : “ đóng góp ấy …vượt lên, vượt xa, trở thành vô hình vì quá lớn lao”. Viết như thế này, cầm bằng như Trần Gia Thái đã cho tập thơ mình là quá lớn lao. Chưa từng có ai trên đời dám vỗ ngực cho thơ mình là lớn lao một cách công khai trước bàn dân thiên hạ như Trần Gia Thái ? Vì tập thơ này của Trần Gia Thái lớn lao đến độ biến thành vô hình, thành không có thật hay sao ?
Một người chưa biết viết câu văn tiếng Việt đơn giản, viết sai ngữ pháp, viết thật tối nghĩa, phản nghĩa, lủng củng như Trần Gia Thái, sao có thể lãnh đạo toàn ngành báo chí từ báo chữ, báo nói, báo hình của thành phố Hà Nội ? Bó tay !
Đọc cả tập thơ “ Lời nguyện cầu trước lửa”, chúng tôi chẳng tìm thấy sự lớn lao nào cả, chí thấy toàn chữ là chữ, toàn nói là nói, nhưng chất thơ thì biến thành vô hình, biến thành không có thật.
Xin trích nguyên văn bài thơ “ Lời nguyện cầu trước lửa” ( trang 67) được lấy làm tên cho cả tập thơ để thách đố bạn đọc xem có tìm ra câu thơ nào không ? Chắc Trần Gia Thái cho bài thơ này hiện đại lắm, “lớn lao đến mức thành vô hình” lắm lắm, tâm huyết lắm, là cái đinh của cả tập thơ :
Lời nguyện cầu trước lửa
( Kính tặng Đại Đức Thích Minh Pháp)
Ấy là lúc chuyển sang nghi thức cuối cùng của Đàn lễ tân niên
Trang nghiêm Đại Đức tọa theo tư thế Đức Phật ngự trên tòa sen
Tự tay ông khơi ngọn lửa
Lớn dần lớn dần lửa đồng điệu cùng âm vang lời cầu nguyện của những thiện nam tín nữ
Lửa bay phần phật như cờ vàng rồi hợp thành một tháp lửa vàng
Vàng cuồn cuộn hất ngược vào không trung
Đêm và ngày giao hòa
Quyền uy phủ vàng mật thất
Tựa như muôn lưỡi mác uốn cong kết thành đài lửa
Hoàng Liên
Hoàng Liên
Tòa sen vàng đấy ư ?
Trong quầng lửa kỳ biến dường như quần tụ những gương mặt chúng sinh rạng ngời ký thác trên dung nhan Phật
Từ mơ hồ vọng về lời sấm
Gió bão nắng mưa nóng lạnh đội lên từ sâu thẳm đất hay ngồn ngộn kéo về từ vũ trụ bao la ?
Không, không hẳn thế
Đấy là lời vị Đại Đức có đôi mắt sáng như sao và giọng nói trầm hùng vang động
Ông nói với lửa bằng ngôn ngữ riêng
Ngọn lửa dịu dần dịu dần hóa thân vào một vầng trăng viên mãn sau cái lắc chuông đường đột như một khẩu lệnh cắt đứt chuỗi âm thanh tưởng như triền miên vô tận ấy khiến ta bừng tỉnh
Ôi, giá như bức tường kia là một tấm gương thì các phật tử lúc này sẽ được chiêm ngưỡng chính mình và cảm nhận rõ sự thăng hoa hàm súc
Gió và gió
Hương hoa tràn theo gió
Gió cuốn theo hương của muôn loài thảo dược thấm quyện nên một trời hương tinh khiết
Nhìn họ, ta tin những điều thiện cát trong lá sớ kia sẽ thành hiện hữu
Mãn nguyện một đêm hương
Sương ngủ quên trên lá
Trăng đã khóc
Những giọt nước mắt hoan hỉ mừng cho sự giải thoát
Sẽ không còn nữa cảnh đói niềm tin”
( hết bài thơ)
Đọc xong bài được Trần Gia Thái gọi là thơ này, chúng tôi không biết nó thuộc thể loại gì : văn xuôi, văn tế, văn tường thuật, văn đưa linh…hay mê cung triết học ? Cầu mong ông Trần Gia Thái thương tình mà chỉ giáo cho sự tò mò có thể phát ốm của chúng tôi được giải tỏa phần nào ? Với kiến văn hạn hẹp người trần mắt thịt, chúng tôi xin cá với ông Trần Gia Thái bài sớ trên của ông mà là thơ thì chúng tôi xin …chết liền.
Các bài “sớ” được gọi là thơ theo kiểu phi thể loại, câu chữ ngùng ngoằng ngũng ngoẵng hiện đại quá khiếp này của Trần Gia Thái còn khá nhiều, như : “Chợt hoàng hôn”, “ Nháp hộ một tình yêu”, “ Tuổi 53”, “Lời ông già tiên tri và bài thơ ở tầng tư”, “ Trò truyện với Cổ loa”, “Lời bia mộ”…
Chúng tôi xin trích bài được gọi là thơ, bài đầu tiên của tập ( trang 12), thấy toàn là những câu nói tầm thường hơi bị sến, năng xuống dòng :
Ảo ảnh
Không nỗi buồn nào buồn hơn
Không sự thật nào thật hơn
Rằng trước tôi em là ảo ảnh
Em là quá vãng dội về thánh thiện dại ngây
Em trong hơn mưa
Hạt mưa trần trong nắng
Mưa tan trong tay, mưa tím bầm cảm giác
Em tan cùng mưa khi vướng một sợi nhìn
Gần đến thế mà sao không thể với
Bến bờ ơi
Em ảo ảnh đến muôn nghìn…”
( hết bài thơ)
Nhiều lần chúng tôi đã viết : trong thơ có nói nhưng chỉ toàn là nói không thì không phải là thơ.
Chúng tôi xin trích hết bài “ Giọt đắng”, từng được một ông nhà thơ kiêm nhà phê bình khen là khái quát có tầm triết học :
“Giọt đắng
Quán cà phê vắng lặng
Giọt cà phê đóng băng
Phin cà phê nghẹn tắc
Và ta
Đậm đặc
Không đường
Bất lực nhìn niềm đau nỗi nhớ
Hả hê cào cấu
Hả hê vẫy vùng
Quán vắng
Ngày không em
Quán vắng
Buồn thênh thang
( hết bài thơ)
Mười ba câu nói xuống dòng liên tù tì, dễ dãi, sáo mòn như thế mà sao dám gọi là thơ ?
Ngoài một số bài thơ tình lãng mạn ưa triết lý vu vơ tầm phào kiểu trên, Trần Gia Thái còn chơi thơ cổ điển, nhại kiểu thơ thất ngôn xưa của Đoàn Văn Cừ, Nguyễn Bính, nhưng dở và sáo hơn nhiều, cũ hơn nhiều tiền nhân xưa cũ.
Chúng tôi xin trích một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt của Trần Gia Thái có tên là “ Nghiêng cả về thu”( trang 20) :
“ Hơi ấm còn đây người ở đâu
Buồn dâng ngày lạnh lụt mưa ngâu
Biển say dốc cạn dòng sông đắng
Nghiêng cả về thu khúc thẳm sầu”

Những “buồn dâng”, “bến say”, “khúc thẳm sầu”…nghe cũ quá, cải lương quá giời ạ !
Chúng tôi xin trích thêm một bài thất ngôn tứ tuyệt phải nói là đại nhạt nhẽo, có tên là “Lời thơm rót mật” ( trang 21) của Trần Gia Thái :
Đêm nay tôi thức ru em ngủ
Xin đừng mộng mị dáng hình ai
Thây kệ gió than ngoài khung cửa
Lời thơm rót mật giấc hương dài”
Phải nói là Trần Gia Thái đã có tài kéo cả một đại dương sáo rỗng, đại dương nhạt nhẽo vào tập thơ “ lớn lao đến vô hình” này của mình. Xin trích, khỏi bình luận :
Có một mối tình sét đánh
Say từ ánh mắt đầu tiên
Có một mối tình đắm đuối
Rượu nồng ủ kín hơi men” ( Mơ- tr.24)
Phần lớn thơ Trần Gia Thái đều làm bởi niềm “say đắm đuối” rất chết cười như trên. Chúng tôi xin lược trích một số câu thơ điển hình cho kiểu nói sáo, nói sến, nói lẩn thẩn ngô nghê là sở trường của trường thơ dở Trần Gia Thái : “Để tim này lạnh câm” / “ Làm nghẹn con tim hồng” / “ Để tim ta xáo động” / “Ngọt ngào bù đắp đắng cay”/ “ Sao ánh mắt cứ nhìn đi đâu thế/ Để trời thu Hà Nội cũng sập sùi” / “vẫn trinh trắng tình đầu / Vẹn Nguyên từ kiếp trước” / “Men nào cho anh say” / “Em hát nữa đi em/ Cho lòng tôi thỏa khát” / “ Đi gieo tiếp mùa vui/ Lời tình tôi đang trải” / “Anh nhìn em đắm thắm/ Em nhìn anh bao dung” / “Căn nhà mình quánh đặc những yêu thương” / “ Mắt em nồng lóng lánh một ngày mai” / “Bánh đa tôi nhận gà với gạo/Là để ngày mai đội ra đình” / “Ai xem tế lễ thì cứ việc/ Tôi chỉ thích xem cỗ được bày” / “Lạy trời mẹ vẫn còn dư sức/ Tôi thì…ông ngoại…sắp sửa lên” ( Chú của Trần Mạnh Hảo : “Tôi sắp sửa lên ông ngoại” được thi ca hóa theo trường phái con cóc của TGT thành “ Tôi thì …ông ngoại sắp sửa lên”.A di đà Phật, thơ với chả phú, kinh hãi thế là cùng !)…
Xin trích tiếp thơ sến, thơ sáo của trường thơ dở TGT : “ Rủ con tim héo” / “Tim ơi” / “Có xuân rồi tôi chỉ thiếu em” / “Rạo rực lòng rạo rực đường vui” / “Nồng nàn say chuyện xưa” / “Trước biển dặm dài đắm đuối” …v…v…và v…v…Có khi Trần Gia Thái chơi lục bát không vần : “ Lại cầm tay, lại vân vi/ Em đừng mách mẹ anh hư…em đừng/ Thế rồi lớn thế rồi xinh” ( Bao giờ- tr. 29)
Một tập thơ không có bài nào khá, không có câu thơ nào hay, chỉ toàn chữ nghĩa dông dài, sáo cũ, sáo mới, toàn câu nói xuống dòng ngô nghê, nôm na là thế, sao ông Hữu Thỉnh chủ tịch Hội Nhà Văn lại khen “ Lời nguyện cầu trước lửa” đến thế ? Chưa hết, trên báo Văn Nghệ số 36+37, số đặc biệt kỷ niệm quốc khánh 2-9-2011 vừa qua, một ông nhà thơ kiêm nhà phê bình đã dành một trang nguyên vẹn hoành tráng ca tụng tập thơ này của ông Trần Gia Thái hết lời. Chắc “hai ông lớn” này chuẩn bị dư luận cho ông TGT nhận giải thưởng Hội Nhà Văn Việt Nam năm 2012 đây ? Cứ đà này, tập thơ dở nhất nước sẽ thành tập thơ hay nhất nước; rồi tiến thêm TGT sẽ được đủ các giải thưởng nhà nước, giải thưởng HCM sau này. Nếu những người chân chính không hét to lên, rằng xin quý vị hãy dừng ngay trò ma giáo trong việc đánh giá giá trị của văn học, đánh tráo hay dở, lừa đảo nhân dân bằng cách tôn vinh những tác phẩm dở nhất nước đang được thực thi trong ma trận giải thưởng ngất trời.

Nền văn học quốc doanh đang bị thao túng bởi những trùm sò mang động cơ phi văn học; bởi những mưu mô chạy giải; bởi những ban giám khảo gà mờ hay tư túi xét người không xét tác phẩm; những giải thưởng hàng nghìn tỉ đồng đang bị hội chứng ngụy văn chương làm hoen ố. Người đọc chân chính một là dời bỏ văn học quốc doanh, hai là điên theo đoạn thơ điên sau của Trần Gia Thái :
“ Tôi mong là người điên
Người điên không phải đề phòng
Người điên có quyền sống thật
Quyền yêu, quyền giận, quyền buồn
Không bị người đời thô bỉ
Nhẩy sổ vào cuộc sống riêng”
( Một lần đúng-tr. 52)
Chúng tôi xin thực lòng can ông Trần Gia Thái; xin hãy bỏ ước muốn thành người điên như đoạn thơ ông vừa viết. Bởi vì khi tỉnh táo, ông đã làm khổ chúng tôi bằng tập thơ “ Lời nguyện cầu trước lửa”. Huống hồ khi điên lên, ông có thể chơi hết mình, tung ra hàng trăm thi phẩm chết người, khiến ông Hữu Thỉnh phải bò ra mà viết bài tán tụng, há chẳng phải là lúc mà người đọc chúng tôi ù té chạy hết ư ? Eo ôi, sợ nhất là viễn cảnh ngoảnh lại văn đàn chỉ còn toàn một lũ “méo mó hình hài vẹo xiêu nhân cách” thì có phải cùng với ông Hữu Thỉnh, ông sẽ đắc tội xua đuổi văn học chân chính ra khỏi xã hội đầy bấc trắc của chúng ta hôm nay hay sao ?
Sài Gòn tối 28-9-2011
T.M.H.